Trong tất cả các loại thịt, thì mình thích thịt gà nhất, đặc biệt là loại gà ta nuôi thóc, tuy lớn chậm nhưng thịt ngọt và da giòn sần sật. Loại gà ấy mà đem nấu lẩu nhâm nhi thì là số một luôn đó.
Đợt đi Đà Lạt, mình có ăn thử món Lẩu Gà Lá É ở quán Tao Ngộ và bị mê từ đó tới giờ. Dì mình ở Khánh Hòa có gửi hạt giống lá é ra để trồng ngoài Hà Nội, mà lười lên lười xuống đến bây giờ vẫn chưa gieo được hạt nào.
Mình từng đọc được ở một bài báo nào đó rằng, món lẩu gà lá é ở Đà Lạt không hề dùng xương ninh, mà chỉ dùng nước tinh khiết. Chính vì vậy, món lẩu mới có vị thanh nhẹ, vì xương ninh sẽ khiến cho nước dùng bị “dày” và có vẻ hơi “nặng đô”.
Tín đồ xương ninh như mình cũng bán tín bán nghi với thông tin này, vì lúc nào mình cũng nghĩ là nếu không ninh nước dùng thì làm sao lẩu ngon ngọt được.
Thế nhưng mà nhầm, nhầm hết. Mình từng được ăn ở nhà người quen món lẩu gà không hề dùng xương ninh. Bác gái chỉ bỏ nấm với một ít rau củ vào đun tầm mười lăm phút, rồi sau đó thả gà vào, vậy mà nước dùng đậm đà và ngon vô cùng. Đúng là không thể trông mặt mà bắt hình dong được!
Và món lẩu không cần ninh xương của mình được ra đời như thế!
Nguyên Liệu Cho 2 Người Ăn
Thịt gà: nửa con, chặt miếng vừa ăn
Sả: 1 cây
Tỏi: 2 tép
Hành tím: 1 củ
Măng ngâm tỏi ớt: 2 cup
Nấm sò: 1 túi
Khoai sọ: 5 củ
Cà rốt: 1 củ
Củ cải: 1 củ
Rau thơm: 300g Húng quế, 200g mùi tàu
Các nguyên liệu ăn kèm các tùy thích: bún, mỳ, thịt lợn rừng ..
Cách Làm Lẩu Gà Lá Quế
1) Chuẩn Bị Nguyên Liệu
Khoai sọ gọt vỏ, bổ đôi, rửa sạch
Cà rốt và củ cải gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc
Các loại rau ăn kèm và nấm rửa sạch, để ráo
2) Cách Nấu Lẩu Gà Lá Quế
Xào sơ thịt gà (không cần cho dầu ăn) cho săn, sau đó đổ thêm nước lọc vào vừa đủ 2 người ăn lẩu. Nêm nếm thêm gia vị cho vừa vị mặn.
Cho khoai sọ, cà rốt, củ cải, măng ngâm vào nồi rồi đun sôi. Có thể cho thêm 1 chút nước măng ngâm để tăng vị chua cay.
Sắp nấm, mỳ, bún, thịt lợn rừng, và các loại rau lên và sẵn sàng để đánh chén
Lưu ý:Mặc dù đây là cách nấu lẩu gà không cần ninh xương nhưng vẫn đậm đà vì nước dùng càng đun sẽ càng tiết ra vị ngọt từ thịt gà và các loại rau củ. Nước dùng kiểu này sẽ có vị ngọt thanh mát, cũng hơi sánh vì nhờ khoai sọ nhừ và tan nhẹ ra.
Mình thường không dùng nhiều đồ nhúng cho loại lẩu này, vì trong lẩu có sẵn khá nhiều “nhân” rồi, và với lượng như vậy thì cũng khá thoải mái cho 2 người. Tùy theo ý thích, có thể cho thêm các loại “nhân” không quá đậm vị vì nếu không sẽ át mất vị măng, gà, và các loại lá thơm.