– Từ khi hai tiếng ‘gà Mỹ’ bắt đầu được dân chơi gà VN nhắc tới, nó luôn là đề tài hấp dẫn và cũng gây nhiều tranh cãi. Những ánh mắt lạ lẫm có phần coi thường ban đầu đã mau chóng chuyển sang e dè trước các ngoại binh mà lúc đầu chỉ có một số Việt kiều và dân chơi thời thượng mới có. Từ lâu rồi, sự e ngại này đã được cụ thể hóa bằng qui ước những chiến kê mang máu Mỹ phải chịu chấp chế khi cáp đá với gà nòi Việt. Dù vậy, thực tế này cũng có phần cảm tính và cũng không chứng minh được ưu thế áp đảo của con gà Mỹ theo cách mà dân chơi gọi là ‘tâm phục khẩu phục’. Bằng chứng là tới nay những tranh luận khi so sánh hai loại gà này vẫn chưa ngả ngũ. Thực ra điều này không có ý nghĩa gì nhiều, bởi trong tự nhiên cũng như trên phạm vi rộng bên ngoài một cá thể hay một dòng gà cụ thể, không thể kết luận chung chung gà nào hay gà nào dở. Chỉ có qua bàn tay nhào nặn của con người và tùy theo thể thức thi đấu mà một con gà có thể trở thành hay hoặc dở. – Nhưng xét về tổng quát, có một số đặc điểm có tính phổ biến giữa hai loại gà này mà mọi người đều công nhận. Ví dụ về mặt thể chất và tính ổn định di truyền, con gà Mỹ hoàn toàn vượt trội. Tôi đặc biệt hâm mộ cách mà các thế hệ những nhà lai tạo Hoa kỳ đã làm để tạo ra những chiến kê có thể gọi là ‘mình đồng da sắt’. Với tôi, đây chưa hẳn một tác phẩm hoàn hảo theo tiêu chuẩn ‘văn võ song toàn’ , tức là con gà Mỹ nhìn chung thiên về ‘võ’ hơn là ‘văn’. ( Đây là đánh giá của riêng tôi khi nói về những cốt cách tinh thần đặc biệt vốn là biểu hiện đặc trưng của con gà Việt hơn là con gà Mỹ. Đề tài này cũng khó diễn giải ngắn gọn nên sẽ được bàn tới trong dịp khác.) Dù vậy, việc có được những chiến kê vừa thừa hưởng tố chất mạnh mẽ vừa giỏi đâm theo nghĩa một ‘cỗ máy đâm chém’ đã là một thành công đáng kể và cũng không dễ mà đạt được. Bài viết này của tôi chủ yếu bàn về một vấn đề vẫn thường gây thắc mắc, đó là khía cạnh xài cựa của con gà Mỹ. – Cũng như gà nòi lông VN, gà Mỹ có khởi thủy từ loài gà rừng Đông Nam Á( xin tham khảo các tài liệu về gà Mỹ có sẵn trên mạng) với bản năng đâm cựa của một sát thủ. Cựa gà rừng trong tự nhiên gần với cựa đinh hơn cựa dao và rất nhọn, còn muốn biết thứ này có nhạy hay không, cứ hỏi những ai chuyên bẫy gà rừng bằng cách dùng gà mồi sẽ rõ. Thứ gì tạo hóa sinh ra đều không bao giờ thừa cả. Trải qua hàng thế kỷ lai tạo, người Mỹ đã có được những dòng gà với những đặc điểm mà họ mong muốn, đồng thời vẫn duy trì được khả năng xài cựa vốn có. Nhưng có lẽ, đây chỉ còn là câu chuyện của ngày xưa chưa xa lắm… – Tôi không dám đưa ra kết luận này nếu chưa từng gặp qua một thứ gà như vậy trong thực tế. Đó là vào khoảng những năm 1999-2003. Nó thuộc sở hữu của trại gà Bến Nọc (gọi như vậy vì trại này ở ngay cầu Bến Nọc,Q9), được thành lập bởi một số anh em quen biết. Với kinh nghiệm còn hạn chế của mình lúc đó, thoạt tiên tôi thấy nó không khác biệt gì nhiều so với những con gà cùng loại ( mà thời đó cũng không còn xa lạ lắm ở VN) cũng như với anh bạn đồng hành được nhập về cùng đợt ( ngoại trừ nó màu điều còn chú kia màu chuối). Tôi chỉ có một cảm giác mơ hồ thoáng qua là mặc dù cũng hơi chò nhưng dáng thế của nó có vẻ vững chãi và cổ nó cũng ngắn hơn một chút. ‘ Hiệp sĩ mù’ là hỗn danh nó có được sau một trận chiến đường phố hay xổ xẹt gì đó làm nó hư một mắt lúc đang được cho mượn làm giống. Có điều đặc biệt là đám con của nó đều khá cân đối, bất kể dàn thê thiếp gốc Việt của nó khá đông và chất lượng cũng hỗn tạp, trong khi con nọc chuối thì sản xuất ra toàn …siêu mẫu chân dài tới nách. Tuy vậy nó vẫn chưa thực sự gây chú ý cho tới khi lũ con lai F1 đều lần lượt ‘ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ in tiền’ khi xuất trận, và thế là nó được thu hồi về gấp khi đang dìu dắt mấy em chân dài ở trại bạn. Các ‘máy in tiền’ thế hệ F1 tiếp tục ra đời, và nó ngày càng có nhiều fan hâm mộ dù chưa một lần mang cựa sắt. Trại gà Bến Nọc ngày nay không còn hoạt động, nhưng kí ức về ‘hiệp sĩ mù’ và đàn con bách thắng vẫn còn không chỉ với những người chủ cũ mà còn cả với khách chơi và những người quen biết. – Việc có được ‘hiệp sĩ mù’ hoàn toàn là một sự tình cờ may mắn. Tôi không kiểm chứng được là nó từ đâu tới bởi thời đó loại này chủ yếu được nhập không chính thức qua đường biển. Biết đâu chừng nó chỉ là ‘hàng dạt’ ở nơi mà nó ra đi, nơi mà có thể cách chơi cựa dao là phổ biến. Nhưng đối với một tín đồ cựa tròn như tôi, đây chính là ‘hàng hiếm’ khi nó sở hữu những đặc điểm thể chất mà tôi thấy là ngày càng khó tìm ở những thế hệ gà Mỹ sau này. – Thực tế là quá trình ‘toàn cầu hóa’ về gà vịt đang diễn ra nhanh chóng và rộng rãi tại VN. Các chiến binh đuôi nhỏng đã trở thành hình ảnh quen mắt ở mọi nơi có đổ gà, từ những trang trại qui mô bài bản cho tới chốn bờ tre bụi chuối. Đến nỗi câu cửa miệng của một số anh em khi biết tôi bắt đầu đổ gà thường là hỏi han về chuyện gà Mỹ, mà tôi cũng thành thật trả lời là chưa có. Cái mà tôi thường nhận được sau tiếng ‘chưa’ là những ánh mắt lai láng niềm …thương cảm (??!) được ngụy trang dưới những cái vỗ vai cũng tràn trề thông cảm … – Có thể hiểu ý đồ của người pha máu gà Mỹ vào gà Việt là nhằm gia tăng cơ hội chiến thắng nhờ có thêm được những khí chất mà họ cho là ưu việt của con gà Mỹ: nhanh, mạnh, tải cựa tốt và nết chiến đấu lì lợm đến mức cực kỳ hung hăng và liều lĩnh, đồng thời vẫn hy vọng duy trì ưu điểm ‘nhạy cựa’ của con gà Việt. Cuộc hôn phối xuyên quốc gia này thường cho ra một thế hệ con lai tuy có mạnh mẽ hơn nhưng xét về độ chính xác và ổn định của cú đá thì thường gây thất vọng. Hóa ra dòng máu gà Việt ở thế hệ con lai chỉ còn tác dụng ‘ngụy trang’ mà các tay chơi thường gọi là ‘lai kín’ để dễ cáp đá. Vấn đề ở đây là tiêu chuẩn ‘ biết xài cựa’ phải được đặt lên hàng đầu và ngay từ đầu ở cả trống lẫn mái chứ không thể từ một phía. Khả năng xài cựa của một thế hệ gà lai phụ thuộc nhiều vào dòng máu Mỹ, bất kể là từ cha hay mẹ, có lẽ do các dòng gà Mỹ có độ thuần cao nên tính trội di truyền cũng áp đảo, trong khi có thể khẳng định, với kiểu lai tạo ‘truyền thống’ ở ta xưa nay thì chỉ có thể tồn tại gà thuần Việt nhưng không hề có một dòng gà Việt nào thuần cả. Nếu may mắn có một con gà nọc Mỹ xài cựa giỏi, kết hợp với một mái Việt cũng giỏi thì hiệu quả chắc chắn là khác hẳn. – Nhưng ngày nay, có vẻ như việc tìm một con gà Mỹ rặt đáp ứng được tiêu chuẩn ‘ biết xài cựa’ là không dễ dàng, ngay cả với những ai có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc sưu tầm giống mới. Nên nhớ rằng các nhà lai tạo ở xứ người luôn làm việc rất bài bản và chuyên nghiệp, vì vậy nếu tìm được một chiến kê hoặc một con giống thích hợp để đá cựa tròn ở một trại gà lớn thì cũng sẽ dễ dàng tìm thêm nhiều cá thể tương tự khác, kể cả ngay lúc đó hoặc sau này, trừ khi dòng gà đó không còn hoặc được pha máu mới. Vậy thì, vì sao… và vì sao…??? Ở đây có lẽ cần xét lại về hiệu quả xài cựa của hầu hết các dòng gà Mỹ mà đại diện của nó đang có mặt ở VN, cho dù chúng luôn được xác định là loại chơi cựa tròn bởi cả người bán lẫn người mua. Đâu rồi một ‘hiệp sĩ mù’ chánh hiệu trong muôn ngàn những đàn em của nó đang có mặt trên khắp vùng chiến thuật ?… – Theo tôi thấy, phần lớn gà Mỹ xuất khẩu hiện nay nhằm phục vụ cho nhu cầu dân chơi cựa dao dài ngắn đủ loại từ các quốc gia khu vực Nam Mỹ cho tới Nam Á và Đông Nam Á (mà điển hình là Mexico và Philippines) Trong khi đó, trò đá gà đã trở thành phi pháp trên gần như toàn lãnh thổ Hoa kỳ, nơi mà phương thức chơi cựa tròn đã từng góp phần sản sinh những dòng gà Mỹ có khả năng đâm tốt. Những nhà lai tạo Hoa kỳ có lý của họ khi luôn theo sát nhu cầu của thị trường, và kết quả là những đặc tính của con gà Mỹ chuyên sử cựa tròn ngày càng khó tìm ngay trên chính quê hương của nó. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu ta muốn tìm một đao thủ thay vì kiếm thủ trong số các chàng chiến binh đuôi dỏng. Nhưng đây chưa hẳn đã là tin buồn nhất. – Về nguyên tắc, vũ khí khác nhau (ở đây muốn nhấn mạnh giữa cựa tròn và cựa dao), luật chơi khác nhau thì đương nhiên có những khác biệt trong tiêu chuẩn lựa chọn chiến kê, và theo hiểu biết cá nhân của mình, trong đây có những khác biệt mà tôi cho là căn bản. Chưa kể cũng cùng một tên gọi nhưng cựa tròn VN và cựa Mỹ (gaff) cũng không giống nhau về độ dài cũng như chiều gọng. Gọng ‘xóc đế ‘của cựa gaff được thiết kế thích hợp để đâm khi cận chiến hơn là cho dàn nạp. Muốn biết sự khác biệt này có ảnh hưởng tới kết quả thi đấu hay không, cứ thử mang cựa Việt cho một con gà Mỹ chuyên đá cựa tròn (nếu có) và ngược lại thì sẽ rõ. Nếu nhận định này đúng, thì đây mới chính là tin buồn thực sự cho những anh em đồng nghiệp VN có thói quen chơi hay cản gà theo hiệu ứng bầy đàn và thiếu chủ kiến. – Phải thấy rằng thực tế chiến trường vẫn đang chấp nhận một thế hệ gà lai với lối đá rào rạt và khả năng chịu đòn cực tốt. Thêm nữa, mũi cựa được sử dụng hiện nay rất ‘hiểm’, có tác dụng sát thương gần như cựa dao khi kết hợp với kiểu ra ra đòn ‘cào cấu rọc chém móc giựt’ liên tục ( đặc biệt khi cận chiến) thường gặp ở loại gà này khiến chúng trở nên thực sự đáng ngại, dù nhiều người cũng công nhận chúng không giỏi đâm và dàn nạp cũng kém. Nhưng về lâu dài, chắc đây không phải là hướng đi đúng bởi tôi tin một chiến kê thưa cựa chưa bao giờ là thứ mà mọi tay chơi đều ao ước
– Ngày nay, xác suất cho một sự tình cờ may mắn như trường hợp câu chuyện ‘hiệp sĩ mù’ kể trên theo tôi là rất thấp.Tuy hiếm nhưng tôi đoán chúng vẫn tồn tại và được duy trì đây đó bởi những người Mỹ chuyên chơi cựa tròn, những người biết rõ giá trị của loại gà này. Việc tìm ra chúng là có thể nếu bạn có điều kiện và biết rõ những gì mà mình cần tìm. Nếu không xác lập những tiêu chuẩn rõ ràng của riêng mình, việc tìm một con gà Mỹ thích hợp để xài cựa tròn rõ ràng phụ thuộc nhiều vào may rủi,và với những thực tế nêu trên, thì khả năng thấy được là rủi nhiều may ít./.